Ô nhiễm môi trường tại các khu vực chợ
Chợ là nơi giao thương, là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi buôn bán, luôn tập trung đông người và điều quan trọng là đây chính là nơi thải ra một lượng lớn rác thải hữu cơ, và nước thải lớn gây ô nhiễm môi trường quanh khu vực. Việc quản lý rác thải và nước thải tại các khu chợ cần được quan tâm nhiều hơn để bảo vệ môi trường quanh khu vực.
Ở Việt Nam, chợ đã hình thành từ lâu và xuất hiện ở khắp mọi nơi từ nông thôn đến thành thị. Hiện nay có rất nhiều các khu chợ được thành lập và đang hoạt động trên khắp cả nước được cấp phép và cả chợ tự phát.
Hằng ngày, lượng chất thải thải ra môi trường tại các khu chợ này là rất lớn, vấn đề xử lý rác thải chợ ở nhiều nơi chưa thật sự đảm bảo. Lượng rác và nước thải ra môi trường lớn và thường không được xử lý triệt để mang đến nguy cơ gây ô nhiễm môi trường rất cao, bên cạnh đó các chất thải này thường có mùi hôi thối khó chịu, gây ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng không khí trong khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Ô nhiễm môi trường tại các khu chợ
Tình trạng rác thải tại các khu chợ
Là nơi tập trung mua bán của tiểu thương và người tiêu dùng, lượng người đổ về các khu chợ thường rất đông, sau mỗi phiên chợ thì khối lượng rác thải để lại là vô cùng lớn, nước thải từ các cửa hàng, kiot như túi nilon, giấy rác, rau cỏ đến các sản phẩm thừa, nước thải trong hoạt động giết mổ gà, vịt, cá bị bỏ lại.
Số rác thải này một phần được thu gom, một phần không được xử lý tích tụ lại gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cũng như sinh hoạt của các hộ dân xung quanh khu vực.
Theo thống kê thì vấn đề ô nhiễm tại các khu chợ kéo dài từ nhiều năm nay, các cơ quan chức năng cũng đã có những biện pháp tuy nhiên vẫn chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu nào để xử lý, ngăn chặn hoặc làm hạn chế mức độ ô nhiễm môi trường.
Với tốc độ đô thị hóa ngày càng cao như hiện nay, nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa tại các khu chợ diễn ra mạnh mẽ, lượng hàng hóa ngày càng lớn và lượng rác, nước thải cũng theo đó mà tăng lên mạnh, đó thực sự là vấn đề xã hội mà người dân bức xúc, cần được chính quyền các cấp quan tâm giải quyết.
Theo khảo sát tại các khu chợ trên địa bàn cả nước cho thấy, hệ thống xử lý nước thải, rác thải, những nơi chứa rác, thùng đựng rác công cộng, cống thoát nước nhìn chung đều có nhưng đa số đều bị tắc do rác thải quá nhiều, người dân không có ý thức phân loại rác.
Rác thải quá nhiều gây ô nhiễm môi trường ở khu vực chợ
> > Xem thêm: Những thống kê về ô nhiễm môi trường nước
Cơ sở hạ tầng chợ
Các khu chợ ở Việt Nam đa phần được xây dựng từ lâu, mức độ sử dụng thường xuyên và quá trình duy tu bảo dưỡng kém dẫn đến nhiều công trình hạ tầng ở các chợ phần lớn đã xuống cấp.
Đường vào nhiều khu chợ bị nước đọng bẩn sau các trận mưa, hoặc do người dân sử dụng hàng ngày, tình trạng buôn bán lấn chiếm lề lòng đường rất phổ biến tại các chợ, đặc biệt là nhiều người dân và các hộ tiểu thương kinh doanh rất thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi, đổ rác xuống cống rãnh thoát nước làm tắc các cống rãnh thoát nước, gây ngập tràn ứ đọng, gây ra mất vệ sinh môi trường toàn khu vực ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Ý thức bảo vệ môi trường
Mỗi hộ kinh doanh tại các khu chợ thường phải đóng các khoản phí vệ sinh môi trường, với tâm lý sẽ đó cho nên họ lại càng không có ý thức bảo vệ môi trường mà cứ thẳng tay vứt rác bừa bãi làm tình trạng ô nhiễm ngày thêm trầm trọng.
Tại chợ Trung tâm mỗi ngày có rất nhiều các loại xe vận tải to nhỏ, vận chuyển rau, củ, quả từ các tỉnh, huyện ở các nơi đổ về đây để bán buôn các hàng hóa đi các nơi trên địa bàn tỉnh, huyện. Sau mỗi chuyến hàng, là sự bừa bộn của rác thải của rau, củ, quả và các phụ trợ đóng gói hàng hóa vứt la liệt đầy chợ, lềnh bềnh trên mương máng ao hồ, suối, sông, giao phó cho những người vệ sinh chợ phải vất vả, quét dọn thu gom hàng ngày.
Theo như sự ghi nhận của các phóng viên, tại khu chợ đầu mối Bình Điền Thành phố Hồ Chí Minh, mọi người đều dễ dàng nhận thấy hệ thống nước thải đen ngòm, nhiều vũng đọng nước bốc mùi hôi thối ở xung quanh chợ.
Từ trong khu nhà lồng đến sân chợ đều lênh láng nước thải bốc mùi hôi tanh từ các quầy hàng thủy hải sản, các bao nilon vứt ngổn ngang trên đường khiến đây trở thành bãi rác khổng lồ.
Ở khu kinh doanh nông sản, rau, củ, quả hư hỏng vứt bỏ khắp các lối vào.Các thùng giấy, thùng xốp vứt kín cả lối đi. Mùi nông sản thối rữa bốc lên nồng nặc khiến nhiều người cảm thấy rất khó chịu.
Các nguồn nước gần khu chợ cũng bị ô nhiễm môi trường
> > Xem thêm: Xử lý bụi cho nhà máy sản xuất thuốc lá
Ngoài vấn đề trong khu chợ thì dọc khu chợ Bình Điền còn có các sạp bán gia súc gia cầm, nông sản, thủy sản la liệt vô cùng nhếch nhác và phản cảm, rác ở các chợ cóc này cũng biến khu vực này thành những “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.
Hiện nay, nguy cơ nguồn ô nhiễm ở chợ đầu mối trên địa bàn TPHCM bị phát tán ra các khu vực xung quanh là rất lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Hơn nữa việc dọn dẹp, làm sạch tại các khu vực chợ đầu mối đang là một việc hết sức khó khăn. Nguyên nhân do lượng rác thải nhiều, việc buôn bán chỉ tập trung trong một thời gian ngắn khiến rác càng ùn ứ.
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hàng ngày công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn phát sinh tại các chợ Thủ Đức là 80 tấn/ngày, chợ Hóc Môn là 50 tấn/ngày, chợ Bình Điền là 40 tấn/ngày, chủ yếu là thành phần rác hữu cơ.
Trên thực tế, hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải tại các khu chợ này đang ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người dân. Tình hình ô nhiễm khu vực chợ không chỉ xảy ra tại địa bàn thành phố mà hầu như trên khắp cả nước, ngay cả các vùng nông thôn. Ở chợ Cống Ngò (xã Dương Thuỷ, Lệ Thuỷ) rác thải cũng tràn lan khắp nơi. Người dân dường như sống chung với rác. Hàng ăn, thực phẩm sống, chín, hoa quả bị bu đầy ruồi nhặng.
Người dân bức xúc kiến nghị nhiều lần, nhưng vẫn chưa thấy địa phương có biện pháp giải quyết.
Người mua hàng nhiều khi phải bịt mũi trước khi vào mua hàng tươi sống, vì khu vực này nằm ngay cạnh hố rác thải bốc mùi hôi thối. Nhà vệ sinh trong chợ thì bịt kín, hiện không sử dụng được, nên nhiều người cứ tự nhiên phóng uế ngay bên ngoài.
Tình trạng ô nhiễm đang ngày càng tăng và có xu hướng phát triển theo chiều hướng xấu, vì vậy cần lắm đến những giải pháp để có thể quán triệt vấn đề này, để người dân nơi đây được sống trong môi trường sạch, các sản phẩm được bày bán đảm bảo chất lượng hơn.
Nhiệm vụ của cơ quan chức năng
Các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn đến các vấn đề này và phải có các biện pháp khắc phục, xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Chúng ta phải tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức tự giác giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng là rất cần thiết. Muốn làm được điều đó, ngoài tuyên truyền rộng rãi trên truyền hình, đài, báo, pa nô, áp phích, các tờ rơi... Thì các đoàn thể, tổ chức xã hội và nhất là Ban quản lý các chợ phải giữ vai trò chính, thường xuyên quan tâm hơn nữa và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính của mình.
Cần tuyên truyền dọn dẹp rác trong khu chợ
Ngoài ra, chính quyền và ngành chức năng cũng cần quan tâm hơn đến công tác quy hoạch lại hệ thống chợ trong nội thành, thị, trung tâm các huyện cần chấm dứt những tình trạng chợ tự phát ở các tuyến đường ngã ba, ngã tư chỗ đông người. Nhất là về đêm trên các vỉa hè đường phố những quán hàng bán đêm đều xả một lượng lớn chất thải, nước thải ra lòng lề đường gây mất vệ sinh đô thị, mỹ quan thành phố và từng bước nâng cấp các chợ trung tâm đầu mối cho khang trang để đáp ứng được kịp thời tiến trình phát triển của xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường tại các chợ.
Tags: Ô nhiễm môi trường chợ nghiêm trọng, báo động ô nhiễm môi trường tại chợ, ô nhiễm chợ tại tphcm, vấn đề về ô nhiễm môi trường chợ, nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường chợ.